(theo Dân Trí) Trong y học cổ truyền, Xuyên tâm liên được đánh giá như một loại kháng sinh thảo dược, kháng sinh thực vật chuyên trị các bệnh viêm nhiễm.
Xuyên tâm liên có những công dụng gì? Hiệu quả với các bệnh lý nào? Dùng như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả tối ưu? Tất cả sẽ được Thầy thuốc Nhân dân – TS.BSCKII – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam Nguyễn Hồng Siêm giải đáp dưới đây.
Dược liệu Xuyên tâm liên từng một thời được coi như dược liệu quý của thời bao cấp. BS đánh giá sao về nhận định này?
Thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ nên khi đó Xuyên tâm liên phát huy công dụng chữa rất nhiều bệnh. Thế nhưng, nói là bách bệnh thì có phần gây áp lực cho 1 cây thuốc bởi chẳng có một loại thuốc nào hoàn hảo cả nhưng nhiều bệnh thì đúng.
Có thể kể đến các bệnh kèm theo sốt ở đường hô hấp, tai mũi họng, đường tiết niệu, viêm ruột và dạ dày, lỵ cấp tính, bệnh viêm da, viêm họng, thanh quản và mụn nhọt. Hoặc dùng bôi ngoài chữa rắn độc cắn, xương khớp đau nhức. Tại miền Trung, xuyên tâm liên dùng như thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh, tránh ứ huyết, đau nhức tê thấp, kinh nguyệt bế tắc.
Vậy tác dụng dược lý của Xuyên tâm liên được ghi nhận trong y học cổ truyền như thế nào, thưa BS? Ngoài Việt Nam, Xuyên tâm liên có được sử dụng ở quốc gia nào khác không?
Xuyên tâm liên vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết tiêu thũng, chỉ thống (giảm đau). Có thể sắc uống trực tiếp, tẩm gạc đắp hoặc làm dịch rửa vết thương. Xuyên tâm liên không chỉ được sử dụng phổ biến ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia,…
BS có thể lý giải cho độc giả khả năng kháng khuẩn của Xuyên tâm liên không?
Trong nhóm thanh nhiệt thì thanh nhiệt giải độc (xuyên tâm liên ở nhóm này), thanh nhiệt táo thấp gần như được coi là kháng sinh Đông y. Đi sâu vào hoạt chất chính có trong Xuyên tâm liên là andrographolide có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Đó là lý do vì sao Xuyên tâm liên được gọi là kháng sinh thảo dược, khánh sinh thực vật.
Cơ chế tác động của xuyên tâm liên có giống kháng sinh không, thưa BS?
Thường dược chất kháng sinh sẽ tác động trực tiếp lên vi khuẩn và tiêu diệt chúng. Còn Xuyên tâm liên tác động gián tiếp thông qua tăng khả năng miễn dịch, giúp cơ thể tạo ra môi trường bất thuận lợi để ức chế virus, vi khuẩn phát triển.
Vậy, ưu điểm của loại kháng sinh thảo dược này là gì và BS có những lưu ý gì khi sử dụng không?
Xuyên tâm liên có thể sử dụng trong khoảng thời gian dài và không gây tác dụng phụ nên phát huy hiệu quả tối ưu với bệnh mãn tính hoặc thời điểm mới khởi phát. Còn với bệnh cấp tính thì nên sử dụng tây y để cắt cơn cấp tính trước.
Nhưng lưu ý, đây là vị thuốc có tính hàn, nên khi người sử dụng có biểu hiện hư hàn (tay chân lạnh, bụng lạnh, đi phân lỏng) thì nên giảm liều, tạm nghỉ rồi mới tiếp tục để tránh những tác dụng không mong muốn.
BS có thể cho biết, ở thời điểm hiện tại, xuyên tâm liên được sử dụng rộng rãi để chữa trị những căn bệnh nào?
Tác dụng tiêu biểu của Xuyên tâm liên là: kháng viêm, thải độc, nâng cao sức đề kháng để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
Cụ thể là điều trị các bệnh đường hô hấp trên như: Viêm mũi, viêm xoang mãn tính, viêm họng, viêm a-mi-đan. Có tác dụng với những vi khuẩn gam âm nhiều, các bệnh mãn tính ở đường tiêu hóa như: Viêm đại tràng; ở đường tiết niệu như: Viêm đường tiết niệu mãn tính hoặc viêm đường sinh dục mãn tính.
Theo BS, lý do gì khiến cho xuyên tâm liên với nhiều công dụng như thế lại bị lãng quên?
Xuyên tâm liên được mệnh danh là King of bitters (Vua của vị đắng) nên khó uống. Bên cạnh đó là sự phát triển của các dòng thuốc kháng sinh hiện đại khiến kháng sinh thảo dược không được ưa chuộng.
Nhưng hiện nay, có một xu hướng sử dụng thảo dược cộng với công nghệ bào chế hiện đại, những yếu điểm của Xuyên tâm liên sẽ được khắc phục và có cơ hội quay trở lại phục vụ đời sống. Đây cũng là 1 cách hiệu quả chống kháng kháng sinh.